20 CÁCH KHIẾN HỌC SINH LUÔN HỨNG THÚ TRONG TIẾT DẠY – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

20 CÁCH KHIẾN HỌC SINH LUÔN HỨNG THÚ TRONG TIẾT DẠY – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng sáu 5, 2020 - 23:42
Tháng tư 15, 2024 - 11:18
 0  9
20 CÁCH KHIẾN HỌC SINH LUÔN HỨNG THÚ TRONG TIẾT DẠY – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ở lứa tuổi học sinh, sự phân tán luôn là xu thế nổi bật, làm thế nào để lôi cuốn học sinh tham gia vào tiết học? Làm thế nào để việc học trở nên hấp dẫn và thú vị? đó là vấn đề mà các giáo viên và các trường học đều cố gắng để đi tìm câu trả lời.

“Nếu như học sinh không thể học được theo cách mà giáo viên dạy, có lẽ chúng ta nên thay đổi cách dạy để học sinh có thể học” và dưới đây sẽ là một số kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn:

  1. Hoạt động khởi động:

Một hoạt động khởi động thú vị sẽ tác động đến hứng thú học tập của học sinh. Nó góp phần tạo nên sự tò mò, hấp dẫn ngay từ khi bắt đầu bài học. Bạn hãy hình dung, nếu bạn đánh mất học sinh trong 2 phút đầu tiên thì 58 phút còn lại bạn chỉ phải làm một công việc là kéo học sinh lại với mình.

  1. Các hoạt động chuyển tiếp

Để duy trì và cải thiện sự tham gia của học sinh, để học sinh không bị chìm vào giấc ngủ và sự nhàm chán, giáo viên cần có sự chuyển tiếp giữa các hoạt động.

Các hoạt động chuyển tiếp khá đa dạng, giáo viên có thể cho học sinh tập một bài thể dục ngắn, nhảy một điệu nhảy theo nhạc hay đơn giản chỉ là đứng dậy, vươn vai, đi ra ngoài,…

  1. Viết tóm tắt nhanh

Khi bạn vừa hoàn thành xong một chủ đề học tập, bạn có thể yêu cầu học sinh viết tóm tắt lại những gì chúng vừa học hoặc yêu cầu học sinh suy ngẫm về những nội dung chúng đã học.

Nó cũng là công cụ giúp giáo viên có thể kiểm tra được mức độ nhận thức của học sinh và đưa ra phản hồi phù hợp trước khi chuyển sang một nội dung mới của bài học. Hoạt động này cũng giúp học sinh tập trung hơn vào nội dung của bài học tiếp theo.

  1. Các câu hỏi

Giáo viên nên hình thành thói quen đặt câu hỏi cho học sinh để kiểm tra lại mức độ nhận thức, để lôi cuốn học sinh trở lại bài học và tăng sự chú ý của chúng. Đồng thời, giáo viên cũng nên tạo ra một diễn đàn cởi mở, nơi đó học sinh có thể đặt ra các câu hỏi cho giáo viên và các bạn.

Điều này sẽ giúp cho tiết học trở nên thú vị hơn, học sinh sẽ học tập và tiếp thu kiến thức một cách tích cực hơn.

  1. Phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy

Hãy tưởng tượng một lớp học, giáo viên lặp đi lặp lại những thao tác cố định và có sẵn, từ ngày này qua ngày khác: mở sách giáo khoa – đặt câu hỏi – gọi học sinh – giảng bài – ghi chép… hay một giáo viên bước vào lớp chỉ có nói, nói và nói,… chắc chắn học sinh sẽ cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán.

Hãy phối hợp nhiều phương pháp giảng dạy, hãy mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm học tập thú vị. Cố gắng thay đổi các hoạt động dạy học sau 10 – 15 phút và tránh việc nói liên tục quá 10 phút.

  1. Học tập qua trò chơi

Học mà chơi, chơi mà học, đó là điều mà chúng ta – các giáo viên vẫn thường nghĩ đến. Vấn đề là chúng ta hãy đưa nó vào thực tiễn lớp học. Hãy biến giờ học thành một hình thức của trò chơi, tạo nên sự cạnh tranh, đặt ra các nhiệm vụ, mục tiêu, lôi cuốn học sinh bằng các phần thưởng, huy hiệu, mang đến tiếng cười và sự thoải mái. Chắc chắn trong những tiết học như vậy, học sinh sẽ cảm thấy vô cùng thú vị và hấp dẫn.

  1. Làm việc nhóm

Làm việc nhóm là cách hiệu quả để học sinh tương tác, thảo luận, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập. Các hoạt động nhóm phù hợp sẽ luôn khiến học sinh cảm thấy lôi cuốn và hứng thú trong tiết học.

  1. Sử dụng các đoạn video

Video là một công cụ hiệu quả để thu hút sự chú ý của học sinh. Khi dạy các bài học, nếu có những video minh họa (thú vị và hấp dẫn) giáo viên nên sử dụng và đưa vào bài giảng. Tuy nhiên khi sử dụng các đoạn video giáo viên cần lưu ý:

  • Cần đặt ra mục đích và nhiệm vụ cụ thể cho học sinh trước khi xem video
  • Không nên sử dụng các đoạn video quá dài
  • Nên dừng lại và đặt câu hỏi (để học sinh dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hoặc nhấn mạnh vào một chi tiết nào đó)
  • Nên có hoạt động thảo luận sau khi kết thúc việc xem video.
  1. Liên hệ với cuộc sống thực

Học sinh sẽ cảm thấy hứng thú nếu giáo viên có thể kết nối những nội dung của bài học với các vấn đề của cuộc sống thực. Điều này cũng giúp giáo viên hiểu kiến thức một cách sâu sắc hơn.

  1. Học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm

Việc học sinh phải ngồi tại chỗ và lắng nghe giáo viên giảng bài có thể là một “cực hình”. Hãy thay đổi phương pháp giảng dạy của bạn, hãy thay thế phương pháp thuyết trình, giảng giải bằng các hoạt động dạy học tích cực. Hãy cho phép học sinh được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, được tương tác và trao đổi cùng nhau.

Bằng cách đó, học sinh sẽ tham gia tích cực hơn vào tiết học.

  1. Các câu đố

Các câu đố luôn khiến học sinh cảm thấy tò mò và muốn đi tìm lời giải, vì thế, hãy chia lớp học thành các đội/nhóm, hãy biến các câu hỏi thành các câu đố, các trò chơi để học sinh đi tìm lời giải.

Điều này vừa khiến học sinh cảm thấy thử thách, vừa tạo nên sự cạnh tranh giữa các nhóm, đồng thời giáo viên cũng có cơ hội để giải thích về các nội dung của bài học.

  1. Sử dụng công nghệ thông tin

Công nghệ có một sức hấp dẫn kì diệu đối với học sinh. Giáo viên cần tích cực tìm kiếm và sử dụng các trò chơi, các ứng dụng và các phần mềm trực quan, có tính tương tác để lôi cuốn người học

Có thể tham khảo một số công cụ trên trang:https://www.classtools.net/

  1. Kể chuyện

Một cách thú vị để giới thiệu bài học mới là bắt đầu bằng một câu chuyện. Một số giáo viên cũng mang đến những câu chuyện ở giữa các bài học giúp học sinh ghi nhớ, liên hệ các sự kiện tốt hơn.

Học sinh luôn thích nghe những câu chuyện vì vậy, hãy biến bài giảng của bạn thành một câu chuyện và thành một chuỗi các câu chuyện để hấp dẫn học sinh.

  1. Sự hỗ trợ

Khi bạn gặp khó khăn, điều mà bạn cần nhất là sự giúp đỡ. Hãy suy nghĩ về điều này trong quá trình giảng dạy. Nếu một học sinh gặp khó khăn và không biết cách để giải quyết cũng như không nhận được sự hỗ trợ từ phía giáo viên, điều chắc chắn là học sinh đó sẽ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ.

Trong quá trình giảng dạy, hãy dự đoán những khó khăn mà học sinh sẽ gặp phải, hãy ghi chú những học sinh cần sự hỗ trợ và xây dựng phương án để có thể giúp đỡ học sinh ngay trên lớp.

  1. Lớp học đảo ngược

Bạn chắc hẳn đã nghe về mô hình lớp học này? Khi học sinh dành thời gian để tìm hiểu trước bài ở nhà, giáo viên chia sẻ nội dung bài học qua các video và tài liệu học tập, thời gian trên lớp sẽ được dành cho các hoạt động thảo luận và trao đổi về những khó khăn và những vấn đề mà học sinh còn thắc mắc.

Khi các hoạt động như vậy diễn ra, học sinh sẽ bị cuốn vào nội dung bài học một cách hết sức tự nhiên.

  1. Mối quan hệ giáo viên và học sinh

Bạn cảm thấy như thế nào mỗi ngày lên lớp? vui vẻ hào hứng hay chán nản, mệt mỏi? Bạn cảm thấy như thế nào khi giao tiếp với học sinh? Quan tâm, yêu thương hay giận dữ, hà khắc?… Tất cả những gì bạn nghĩ, thái độ của bạn với học sinh và công việc giảng dạy sẽ tác động đến học sinh một cách rất rõ ràng. Bạn không thể lôi cuốn học sinh tham gia vào bài học nếu như chính bạn không thể hiện được sự nhiệt tình với học sinh, không thể hiện được tình yêu đối với môn học.

  1. Thời gian nghỉ giải lao ngắn

Việc học liên tục, trong một thời gian dài sẽ khiến người học mệt mỏi về thể chất, phản ứng tự nhiên của học sinh sẽ là ngáp, buồn ngủ, thậm chí là lơ đãng. Chính vì vậy, giáo viên cần tạo ra những khoảng nghỉ ngắn có thể là ngay trong tiết học, hoặc cho học sinh vận động nhẹ nhàng, cũng có thể là dừng tiết học lại để kể một câu chuyện cười,… điều đó sẽ lôi cuốn học sinh tham gia tích cực vào tiết học.

  1. Thẻ phản hồi

Học sinh nên được phát cả thẻ phản hồi trong lớp học bao gồm: đồng ý/ không đồng ý/ thích/ không thích/ lưa chọn A, B, C, D…

Trong tiết học, giáo viên hãy liên tục tạo ra các cơ hội để học sinh được sử dụng các thẻ phản hồi này để đưa ra quan điểm cá nhân hoặc câu trả lời. Cách làm này sẽ duy trì được hứng thú và sự tham gia của người học.

  1. Viết chính tả/ hoạt động viết

Đối với các lớp tiểu học, các hoạt động đơn giản như viết chính tả là chiến thuật để hạn chế thời gian chết.

Đối với các lớp lớn hơn, đôi khi (nhớ là đôi khi) việc giáo viên đọc cho học sinh ghi chép một nội dung nào đó cũng khiến học sinh tập trung chú ý hơn vào bài học, đồng thời giúp việc ghi nhớ thông tin diễn ra tốt hơn

  1. Tổng kết bài học (A – Z)

Bạn có thể kết hợp việc tổng kết bài học và kiểm tra nhận thức của học sinh bằng trò chơi A – Z.

Giáo viên sẽ viết các chữ cái từ A – Z lên các tấm thẻ. Mỗi tấm thẻ là một chữ cái.

Học sinh/ giáo viên sẽ bốc một chữ cái bất kì

Học sinh phải tái hiện lại nội dung bài học và tìm một từ khóa liên quan đến bài học bắt đầu bằng chữ cái vừa bốc được.

Những trò chơi như vậy sẽ kích thích và lôi cuốn được sự tham gia của hầu hết học sinh trong tiết học.

TÁO GIÁO DỤC