Ôn thi vào 10 môn Văn: RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ôn thi vào 10 môn Văn: RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 9, 2019 - 20:49
Tháng tư 21, 2024 - 17:41
 0  9
Ôn thi vào 10 môn Văn: RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tác phẩm “RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG”

(Trích Rô-bin-xơn Cru-xô – Đ. Đi-phô)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Văn bản trong SGK trích từ tiểu thuyết Rô-bin-xơn Cru-xô, xuất bản năm 1719, có tên đầy đủ làCuộc đời và những cuộc phiêu lưu kì lạ của Rô-bin-xơn Cru-xô.Đoạn trích kể về Rô-bin-xơn lúc đã ở đảo hoang khoảng 15 năm.

– Bức chân dung tự hoạ của Rô-bin-xơn và cuộc sống vô cùng gian khổ của chàng trên đảo hoang:

+ Trang phục kì lạ của Rô-bin-xơn: từ mũ, áo, quần đến “đôi ủng” đều bằng da dê, tất cấ đéu có hình dạng khác thường, nhằm mục đích bảo vệ mình trước những tác động của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên đảo hoang ở vùng gần xích đạo. Qua trang phục có vẻ kì cục của Rô-bin-xơn, thấy rõ sự thiếu thốn và khí hậu khắc nghiệt ở hoang đảo.

+ Những trang bị của Rô-bin-xơn: Quanh người là thắt lưng tự tạo bằng da dê, có quai đeo rìu, cưa; trên vai có đai đeo hai túi đựng thuốc súng và đạn ghém; trên lưng là khẩu súng, còn giương trên đầu là cái dù cũng bằng da dê. Tất cả trang bị lỉnh kỉnh ấy cho thấy cuộc sống của Rô-bin-xơn trên đảo rất vất vả, nguy hiểm (luôn phải mang theo mình công cụ lao động như cưa, rìu; còn khẩu súng và đạn vừa để săn bắn, vừa để tự vệ; cái dù để che mưa nắng).

+ Diện mạo của Rô-bin-xơn chỉ được miêu tả rất ít, với hai chi tiết là nước da không đến nỗi đen cháy và bộ ria thì “chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ”.- Điều này cho thấy Rô-bin-xơn là người lạc quan, vẫn giữ cho mình hình hài, diện mạo của con người dù chỉ có một mình ở nơi đảo hoang.

– Ý chí, nghị lực phi thường và sự sáng tạo, tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn:

+ Những trang phục tự tạo bằng da dê để khắc phục hoàn cảnh thiếu thốnáo quần cho thấy ý chí và óc sáng tạo của Rô-bin-xơn. Nó cũng chứng tỏ chàng có ý thức tạo cho mình cuộc sống đích thực của con người, dù chỉ có một mình trên hoang đảo. Mặt khác, trang phục có vẻ kì quặc, trang bị lỉnh kỉnh lại tạo cho Rô-bin-xơn dáng vẻ của một vị “chúa đảo” trên lãnh thổ của mình. Con người ấy, dù nhỏ bé, đơn độc trước thiên nhiên rộng lớn, đầy sức mạnh hoang dã, nhưng không để bị thiên nhiên khuất phục mà vẫn thể hiện vai trò làm chủ của mình.

+ Tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn được thể hiện trong cách miêu tả chân dung của mình, với nụ cười hóm hỉnh về những thứ trang phục kì quặc mà chàng hình dung “nếu có ai đó ở nước Anh gặp một kẻ như tôi lúc bấy giờ, chắc tôi sẽ làm họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc”.

+ Ý chí sống và tinh thần lạc quan của nhân vật còn được thể hiện trong chi tiết về bộ ria mép. Rô-bin-xơn chăm chút xén tỉa bộ ria của mình và tạo cho nó một hình dáng độc đáo. Giọng bông đùa khi miêu tả bộ ria của mình cũng thể hiện tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn.

+ Bị rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn, đơn độc nhưng Rô-bin-xơn không chán nản, tuyệt vọng, mà bám chắc lấy cuộc sống. Không những thế, chàng còn nỗ lực tạo cho cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn, biết tận dụng mọi thứ của tự nhiên để phục vụ cho mình, vẫn sống một cuộc sống của con người ngay trên đảo hoang và không nguôi hi vọng sẽ trở về với xã hội loài người. Chính ý chí, nghị lực lớn lao ấy đã giúp cho nhân vật vượt qua mọi khó khăn, sống được trên đảo hoang tới hơn 28 năm và cuối cùng trở về được đất nước.

– Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật: bức chân dung không chỉ có khuôn mặt mà là toàn thân, với đủ cả trang phục, trang bi, được miêu tả khá kĩ càng. Bức chân dung không chỉ khắc hoạ ngoại hình nhân vật mà ý nghĩa chính là qua đó thể hiện cuộc sống gian khổ, ý chí, óc sáng tạo và tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn.

+ Lựa chọn cách kể, tả từ ngôi thứ nhất – nhân vật tự hoạ bức chân dung của mình. Cuốn tiểuthuyết được viết theo hình thức tự thuật của Rô-bin-xơn nên ở đoạn trích này, tất nhiên tác giả phải để cho nhân vật tự hoạ chân dung. Do đó, bức chân dung tập trung chủ yếu vào trang phục (được miêu tả theo thứ tự từ đầu tới chân), trang bị, cuối cùng mới là diện mạo (được miêu tả rất ít, chỉ tập trung vào bộ ria mép độc đáo mà thôi).

+ Ngôn ngữ và giọng điệu kể tự nhiên, có chất hài hước. Nhân vật kể, tả bức chân dung và cuộc sống của mình bằng lời lẽ dung dị, tự nhiên, giọng thân mật, pha chút hài hước (đoạn nói về cái mũ, “đôi ủng”, bộ ria mép).

+ Ở phần mở đầu và câu cuối văn bản đoạn trích, người kể chuyện tạo một điểm nhìn khác về chân dung của mình bằng cách hình dung, tưởng tượng nếu người nào đó ở nước Anh mà gặp mình sẽ hết sức ngạc nhiên, sửng sốt. Tác giả còn tưởng tượng mình “lang thang khắp miền Y-oóc-sai với trang bị và áo quần như vậy” để mà mỉm cười thích thú.

II – LUYỆN TẬP

1.Văn bản trong SGK có thể coi là bức chân dung tự hoạ của Rô-bin-xơn. Căn cứ vào trình tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của văn bản và đặt tiêu đề cho từng phần. Nhận xét về trình tự miêu tả bức chân dung ấy.

2.Qua bức chân dung tự hoạ của nhân vật, em hình dung được gì về cuộc sống trên đảo hoang và những phẩm chất của Rô-bin-xơn?

3.Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam có truyện nào cũng kể về một nhân vật sống ngoài đảo hoang? Giữa nhân vật đó và nhân vật Rô-bin-xơn có gì khác nhau và có điểm gì chung?

Gợi ý

1.– Ngoài đoạn mở đầu, các đoạn còn lại là chân dung tự hoạ của Rô-bin-xơn, được miêu tả theo trình tự: trang phục, trang bị, diện mạo.

– Nhận xét: trình tự miêu tả trên đây phù hợp với chân dung của Rô-bin-xơn và cách thức tự miêu tả của nhân vật bởi vì nhân vật chỉ có thể tự hình dung về diện mạo của mình chứ không thể như một người kể chuyện đứng ngoài quan sát và miêu tả kĩ lưỡng đối tượng. Trang phục được miêu tả trước tiên và khá tỉ mỉ, vì chúng vừa có vẻ kì quái, lại vừa độc đáo ở trên cơ thể của Rô-bin-xơn, gây sự chú ý mạnh và lập tức với bất kì ai nếu nhìn thấy nhân vật. Trang phục được miêu tả theo trình tự từ đầu xuống chân; tiếp đó là đoạn miêu tả các trang bị; cuối cùng mới miêu tả diện mạo trong một đoạn ngắn, với vài điểm nhấn mà đặc sắc là bộ ria mép.

2.Qua trang phục đặc biệt, tự tạo, có thể hình dung cuộc sống của Rô-bin-xơn đầy đủ hay thiếu thốn, thời tiết trên đảo hoang như thế nào? Những trang bị của nhân vật cho thấy cuộc sống của Rô-bin-xơn như thế nào? Anh có phải người chăm lao động không? Qua cách miêu tả bộ ria, qua giọng điệu, em có thấy Rô-bin-xơn là người lạc quan, có đầu óc hài hước không?

3.Tìm đọc lại truyệnSự tích dưa hấu. Hai nhân vật Rô-bin-xơn và Mai An Tiêm có nhiều điểm khác biệt về thời đại, dân tộc, về lí do và hoàn cảnh phải sống trên đảo hoang nhưng ở họ có những điểm chung là nghị lực sống, tinh thần sáng tạo, sự thông minh cùng với lao động cần cù. Nhờ thế, họ đểu vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, tổ chức được cuộc sống khá tươm tất trên đảo hoang và cuối cùng được trở về đất liền.