CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÀO DUY TỪ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÀO DUY TỪ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 10 29, 2019 - 22:59
Tháng tư 17, 2024 - 09:31
 0  8
CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÀO DUY TỪ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Trong những giai đoạn phát triển của con người, lứa tuổi thiếu niên có một vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất, và cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau. Vì vậy nếu các em không được hỗ trợ và chăm sóc đời sống tinh thần một cách tốt nhất khi gặp phải những khó khăn tâm lý hay khi vướng mắc vào những rắc rối do lứa tuổi học đường… thì có thể có những tác động xấu đến đời sống tinh thần và sự phát triển nhân cách của các em. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, trường THCS Đào Duy Từ đã mở một trung tâm tư vấn tâm lý học đường dưới sự bảo trợ, tư vấn của các chuyên gia tâm lý.

PGS. TS Phạm Mạnh Hà –giảng viên khoa Tâm lý trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội – Chuyên gia cố vấn tâm lí trường THCS Đào Duy Từ

Trong một vài năm trở lại đây, hiện tượng bạo lực học đường và tình trạng học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, mức độ ngày một nguy hiểm, đối tượng tham gia ngày càng đa dạng, với nhiều hình thức, kiểu loại. Theo thống kê của của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), từ đầu năm 2009 đến hết năm 2010, trên toàn quốc đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Kỷ luật khiển trách 881 HS, cảnh cáo 1.558 HS, buộc thôi học có thời hạn 735 HS. Đặc biệt, tình trạng HS đánh nhau mang tính chất bạo lực đang có xu hướng gia tăng, tình trạng nữ sinh tham gia các vụ ẩu đả, với một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều em học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở nhưng đã sử dụng các chất ma túy, tham gia đánh bạc, trộm cắp và trầm cảm…

Tại Hà Nội, hiện tại có hơn 200 trường THCS nhưng chỉ có chưa đến 10 trường triển khai các hoạt động tư vấn học đường chủ yếu tập trung ở các trường quốc tế và tư thục. Nhận thức rõ vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường trong giai đoạn hiện tại, ngay từ năm học đầu tiên trường THCS Đào Duy từ đã triển khai mô hình tư vấn tâm lý học đường mục đích nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và sự sẵn sàng tâm lý để ứng phó có hiệu quả trước những tác động tiêu cực từ môi trường nhất là giai đoạn chuyển cấp. Việc triển khai các nội dung hoạt động tâm lý học đường ở trường THCS Đào Duy Từ trước mắt chưa tập trung nhiều vào các hoạt động trị liệu hay can thiệp mà chú trọng ở công tác dự phòng và can thiệp sớm. Yếu tố cốt lõi của mô hình này làkhông chỉ đánh giá hay trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học đường còn phối hợp với giáo viên và phụ huynh để xây dựng và tập huấn cho học sinh các chiến lược hành vi thích hợp, các kỹ năng để ứng phó với mọi vấn đề trong cuộc sống.Phương thức hoạt động theo trình tự sau:

Bước 1: Nhận diện vấn đề

Lập tổ hỗ trợ học sinh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà trường với các thành phần gồm ban giám hiệu, cán bộ đoàn đội, giám thị, giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban phụ huynh và đội ngũ cán bộ tâm lý học đường.

Nhiệm vụ của tổ hỗ trợ học sinh là nhận diện nhu cầu của học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh đối với các hoạt động hỗ trợ tâm lý. Hàng năm vào đầu năm học, tổ hỗ trợ triển khai lấy phiếu đánh giá nhu cầu được tham vấn, hỗ trợ tâm lý từ tất cả các lớp trong nhà trường. Qua đó lập kế hoạch chi tiết cho các hoạt động phòng ngừa, tọa đàm, tham vấn tâm lý cho cả năm học.

Bước 2: Phân tích vấn đề

Thông qua những thông tin thu dược từ các phiếu nhu cầu, cũng như thông tin trực tiếp từ những giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ tâm lý nghiên cứu các trường hợp cụ thể để lên kế hoạch tác động.

Đối với các hoạt động phòng ngừa

Trên cơ sở thông tin thu được đầu năm, phòng tâm lý xây dựng kế hoạch hoạt động cho cả năm học đối với từng khối lớp sao cho các hoạt động phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và tính chất học tập.

Đối với các hoạt động can thiệp

Với những trường hợp học sinh có nhu cầu tự tìm đến, cán bộ tâm lý trên cơ sở hồ sơ tâm lý đã lưu kết hợp với các phương pháp trò chuyện, trao đổi để phát hiện những vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh, qua đó lên kế hoạch tác động hoặc hỗ trợ.

Tương tự như vậy, đối với những học sinh được giáo viên chủ nhiệm đưa xuống, văn phòng sẽ tiếp nhận và tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề của học sinh. Những thông tin này được ghi chép cẩn thận vào hồ sơ tâm lý. Đối với những tình huống quen thuộc, cán bộ tâm lý có thể thực hiện ngay các biện pháp tác động. Trong trường hợp vấn để của học sinh phức tạp, cán bộ tâm lý sẽ phải ghi chép đầy đủ thông tin để đưa ra hội đồng chuyên môn trước khi can thiệp.

Bước 3: Các hoạt động can thiệp

Tại bước này, văn phòng áp dụng mô hình can thiệp 3 bậc gồm các nội dung sau:

1. Can thiệp phổ quát: Thiết lập nền tảng can thiệp toàn trường cho tất cả học sinh.

Chú trọng nhiều đến can thiệp phòng ngừa với các nhóm học sinh theo từng cấp học đặc biệt đi với học sinh khối 6 sẽ chú trọng cung cấp kiến thức về những thay đổi về cơ thể và tinh thần khi đến tuổi dạy thì; với học sinh khối 7,8,9 tập trung vào các hoạt động tọa đàm, các khóa tập huấn kỹ năng về phòng trách các tệ nạn xã hội; sử dụng chất kích thích; lạm dụng các trò chơi nguy hiểm đến tính mạng…

2. Can thiệp trung tâm: Can thiệp sớm cho một số học sinh.

Với một số học sinh có một vài biểu hiện của các vấn đề về hành vi và tâm lý như lo âu căng thẳng… sẽ được can thiệp theo nhóm hoặc cá nhân thông qua các hoạt động thay đổi hành vi, cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc….

3. Tập trung sâu: Can thiệp sâu cho một số học sinh.

Với học sinh gặp phải những khó khăn tâm lý ở mức độ nặng, văn phòng tập trung can thiệp nhiều cả về mặt thời gian và mức độ tác động. Các em được can thiệp cá nhân với nhà tham vấn 1 tuần 1 lần và làm liên tục hơn 10 buổi. Trong một số trường hợp tác động của cán bộ tâm lý không khả quan, văn phòng sẽ liên hệ với các cơ sở y tế chuyên ngành để kịp thời can thiệp.

Bước 4. Xây dựng các chiến lược củng cố và phòng ngừa sớm

1. Các biện pháp giáo dục đối với học sinh.

Giáo dục nhân cách, kỹ năng sống và kỹ năng xã hội được chú ý với học sinh toàn trường và chú ý mức độ thường xuyên thực hiện và có sự đánh giá.

Vấn đề bạo lực đang ngày càng gia tăng tại trường học vì vậy các nhà tham vấn chú ý hỗ trợ trong các chương trình giảm bạo lực và kiểm soát giận dữ đối với học sinh. Điều này phần nào giải quyết mâu thuẫn giữa các bạn đồng lứa hỗ trợ hòa giải, giảm thành kiến và gia tăng hợp tác với các học sinh.

Giáo dục luật pháp và phòng ngừa tội phạm, phòng chống băng đảng hoặc kết bè băng đảng trong trường học cũng như ngoài cộng đồng. Giáo dục thanh thiếu niên về bạo lực trong các buổi hò hẹn, bạo lực trong gia đình và tấn công tình dục.

2. Các biện pháp giáo dục từ gia đình.

Tập huấn các kỹ năng làm cha mẹ cho các bậc cha mẹ giúp học có kiến thức và kỹ năng trong việc giáo dục con cái. Giúp phụ huynh lập ra và truyền đạt các tiêu chí về hành vi rõ ràng cho con cái qua hành động và lời nói để con cái thực hiện.

Tổ chức các buổi tập huấn giúp phụ huynh cải thiện các biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái mà không cần đến các giải pháp về bạo lực như đánh đập và mắng trẻ. Giúp phụ huynh nêu gương cho con cái noi theo.

Việc thông báo kết quả tư vấn cho phụ huynh học sinh là một việc làm cần thiết và mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của mô hình can thiệp. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy nếu phụ huynh học sinh biết được những khó khăn tâm lý mà con em mình mắc phải thì chính họ sẽ là người động viên, hỗ trợ con em mình vượt qua những khó khăn tâm lý đó một cách có hiệu quả và bền vững

3. Các biện pháp giáo dục từ môi trường sư phạm.

Xây dựng văn hóa học đường với các giá trị và chuẩn mực thống nhất và phù hợp với lứa tuổi, văn hóa truyền thống và các quy định chung của nhà trường. Nhất quán trong khen thưởng và trừng phạt đối với học sinh. Tập huấn các kỹ năng quản lý lớp học cho giáo viên, huấn luyện can thiệp phi bạo lực cho giáo viên và nhân viên nhà trường. Dùng phương pháp giám sát tự nhiên đối với học sinh và giáo viên.

Sự phối hợp chặt chẽ của Ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp có một ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức hoạt động tư vấn cho học sinh. Chính thầy cô giáo là người có ảnh hưởng không nhỏ đến việc học sinh có tham gia hoạt động tư vấn hay không.

Tóm lại

quan tâm đến quy trình, phương pháp và nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh phù hợp với đặc trưng lứa tuổi và đặc thù tâm lý của học sinh trong giai đoạn hiện tại của trường THCS Đào Duy Từ là một hành động mang tính cấp thiết. Tất cả nhằm tạo cho cho học sinh một sự phát triển toàn diện nhất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tạo nên một sự phát triển bền vững cho nhà trường.