Tản văn của HS Nguyễn Lê Hoàng (8T): CÁI KẾT CỦA MỘT VIỆC LÀ KHỞI ĐẦU CỦA MỘT VIỆC KHÁC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tản văn của HS Nguyễn Lê Hoàng (8T): CÁI KẾT CỦA MỘT VIỆC LÀ KHỞI ĐẦU CỦA MỘT VIỆC KHÁC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 10 23, 2018 - 22:56
Tháng tư 13, 2024 - 23:32
 0  8
Tản văn của HS Nguyễn Lê Hoàng (8T): CÁI KẾT CỦA MỘT VIỆC LÀ KHỞI ĐẦU CỦA MỘT VIỆC KHÁC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HS Nguyễn Lê Hoàng – lớp 8T trường THCS Đào Duy Từ

Tại sao Cái kết của một việc lại là khởi đầu của một việc khác? Chúng ta cùng đón đọc bài viết của HS Nguyễn Lê Hoàng (lớp 8T – THCS Đào Duy Từ).

Tản văn: “Cái kết của một việc là khởi đầu của một việc khác”

Ngồi một mình trong đêm, tôi thẫn thờ nhìn về những tòa nhà chọc trời của Thủ đô. Một buổi đêm giữa tháng Mười, khi trời vẫn còn chút cái nắng của mùa hè xen lẫn từng đợt gió miên man của mùa thu, tôi ngồi bên bàn học, nhìn về những ánh đèn phố xá, những cô lao công, những chiếc xe tải nặng nề chở vật liệu xây dựng. Bỗng tôi nhận ra một chân lí giản dị mà đúng đắn:

“Cái kết của một việc là khởi đầu của một việc khác”

Chân lí ấy thực sự dễ hiểu, vì nó luôn hiện hữu quanh chúng ta. Cái kết của một việc là khi việc đó chuẩn bị được hay đã hoàn thành, theo ngay sau là khởi đầu của một việc khác. Nếu tinh ý, để tâm tới những chi tiết nhỏ trong cuộc sống, ta sẽ thấy vô vàn mọi chuyện tuân theo quy luật này. Chính vì lẽ đó mà trong tự nhiên, trong xã hội hiện đại, trong nhà, ở trường… luôn luôn có sự kết thúc của một sự việc và sự bắt đầu của một sự việc khác ngay sau nó.

Khi còn bé, tôi rất thích về thăm ông bà nội chơi, dù chỉ là một buổi sáng. Tuy giờ đây quá bận bịu khiến tôi không thể về thăm được nữa, tôi vẫn nhớ như in, và có lẽ như thế là đã đủ, những chuyến thăm ấy. Ông bà nội sống ở một ngôi làng nọ mang tên Yên Mỹ – cái tên của sự thanh bình và đẹp đẽ, người đặt tên hẳn có con mắt nhìn đời sâu sắc! Ngôi làng ấy không có lúa, nhưng có một cánh đồng rau, cây ăn quả bạt ngàn: Rau muống, cà chua, chuối, đu đủ… đều có thể được tìm thấy. Chính vì thế, mỗi khi về quê, tôi có thể thấy vạn vật thiên nhiên bắt đầu từ sự kết thúc. Nổi bật nhất hẳn là quá trình tàn – nở – kết trái của hoa. Cuối mùa đông, một vài cây đâm quả, nhưng những cây khác lại chỉ thấy màu xanh đậm lục của lá và cành, gần như không một bông hoa. Điều đó kết thúc khi mùa xuân đến, bắt đầu thời điểm bao loài cây nở hoa, đua nhau đâm chồi nảy lộc. Dù hơi se lạnh, nếu được ra cánh đồng bạt ngàn rau ấy chụp ảnh thì không gì đẹp bằng! Thế rồi, hè về, kết thúc mùa hoa, bắt đầu mùa quả: từng mớ rau, bắp củ, chùm quả… cứ đua nhau mọc lên, khiến bà con ai nấy vui mừng ra mặt. Một hình ảnh kết thúc – bắt đầu nữa tới từ quá trình lớn lên của những con sâu bướm. Sau khi đủ dinh dưỡng và lớn tới một độ tuổi nhất định, chúng sẽ kết thúc hình thái sâu để chuyển sang hình kén bướm. Lột lớp da cũ, chúng treo mình lên một góc, phát triển để rồi lại bắt đầu hình thái đẹp nhất: những chú bướm cánh đầy màu sắc, làm vui cho đời.

Ngày nay, quen thuộc với đời sống nội đô Hà thành, tôi cũng thấy được chân lí giản dị ấy trong từng chi tiết nhỏ. Hết một ngày đầy bụi bặm, khói xe, công việc và sự mệt nhọc, Hà Nội mến yêu lại chìm vào giấc ngủ say cùng bao tòa nhà kính và gạch. Để rồi, khi ngày mới bắt đầu, Hà Nội như một cô tiên dịu dàng và xinh đẹp vươn vai đón chào ngày mới, niềm vui mới. Ngoài ra, trên ti vi, các chương trình truyền hình luôn phát sóng các số mới. Hết một số, tuần sau lại có số khác để xem, để cười vui. Những bộ phim có các phần nối tiếp nhau, tạo nên câu truyện hồi hộp, gây tò mò cho người xem. Khi một năm học kết thúc, các bạn thường vừa buồn vì phải chia tay thầy cô, bạn bè, vừa vui vì “cái kết của một việc là khởi đầu của một việc khác”: kì nghỉ hè chói chang, vui vẻ bắt đầu. Khi ấy, các bạn ra sức vui chơi, đi biển tắm nắng, lên núi ngắm phong cảnh hùng vĩ, hay chỉ đơn giản là tụ tập bạn bè, cùng đi xem phim. Hè hết, năm học mới lại bắt đầu. Chu kì ấy cứ mãi diễn ra, hết nghỉ lại học.

Bạn Nguyễn Lê Hoàng trong chương trình thực nghiệm giáo dục STEM

Sự kết thúc và sự bắt đầu dung hợp tạo nên sự hài hòa, cân bằng giữa mọi vật. Học lâu quá sẽ gây mệt mỏi, chơi nhiều quá sẽ gây chán nản, điều đó là đương nhiên. Sự bắt đầu còn đem đến cho đời những cái mới lạ, những cái hay, đáng nhìn nhận. Sau quá trình thụ thai, mang nặng đẻ đau chín tháng mươi ngày, một cuộc đời của sinh linh nhỏ bé mới bắt đầu – thật đáng yêu biết nhường nào khi mầm non ấy khóc oe oe trong vòng tay của người mẹ. “Cứ đi rồi sẽ đến”, một người đã từng nói với tôi như vậy. Hay hiểu ra, “cứ bắt đầu rồi sẽ kết thúc” và “cứ kết thúc rồi sẽ bắt đầu lại”: Hai trạng thái ràng buộc với nhau, tương trợ nhau, không có một bên thì bên kia cũng không còn.

Tôi vẫn không hiểu sao có những người làm mọi thứ, kể cả chà đạp lên người khác, chỉ để đi ngược lại sự thực đúng đắn, không thể tránh khỏi ấy. Những người đó cần hiểu rằng không gì là mãi mãi, một thứ đến rồi cũng phải đi.

Nguyễn Lê Hoàng

Lớp 8T trường THCS Đào Duy Từ