Bài viết của Nguyễn Lê Hoàng (8T): CON NGƯỜI AI CŨNG GÂY RA LỖI LẦM - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Bài viết của Nguyễn Lê Hoàng (8T): CON NGƯỜI AI CŨNG GÂY RA LỖI LẦM - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng mười hai 7, 2018 - 15:53
Tháng tư 12, 2024 - 10:59
 0  8
Bài viết của Nguyễn Lê Hoàng (8T): CON NGƯỜI AI CŨNG GÂY RA LỖI LẦM - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HS Nguyễn Lê Hoàng – lớp 8T

Trên đời này có nhiều danh nhân, nhiều gương mặt nổi tiếng, đáng trân trọng như Albert Einstein, Steve Jobs, Bill Gates, Donald Trump… Họ đóng góp rất nhiều, đóng góp thật sự to lớn, vào công cuộc biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.

Vậy, điểm chung của họ cần được nhìn nhận là gì?

Là những gì lỗi lầm họ đã gây ra.

Không chỉ những người thành đạt và vẻ vang, bất kì ai cũng đã từng gây ra một sai trái trong đời. Lỗi lầm là những hành vi một, nhiều người hoặc tất cả mọi người gây ra, tạo ảnh hưởng xấu tới các khía cạnh của cuộc sống. Ông cha ta có câu “Sai một li, đi một dặm”. Quả thực đúng như vậy. Vẽ một góc vuông 90 độ mà lại vẽ chệch thành 88 độ, hình chắc chắn sẽ không đẹp, nhìn rất khác với dữ kiện, giả thiết. Trong một dây chuyền làm việc ở nhà máy, chỉ cần một bộ phận bị trục trặc thì tất cả các bộ phận sau sẽ không thể hoàn thành tốt công việc. Sai lầm của con người tai hại vậy đấy!

Sai lầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi người, mọi vật xung quanh. Trong một doanh nghiệp, công ty, bộ phận kế toán và kiểm toán, trong đó đặc biệt hơn là kiểm toán, đóng vai trò vô cùng quan trọng: họ tính toán, kiểm tra các đồng lương của nhân lực, tiền chi phí điện nước, thức ăn, các dịch vụ khác như tiền bệnh, tiền hoa hồng… Chỉ cần họ viết sai một con số, một người làm việc có thể mất hết lương ăn, một doanh nghiệp có thể thất bại và phá sản, một khoản chi tiêu của công ty có thể tăng gấp bội – thật đáng buồn khi điều đó thật sự xảy ra.

Tôi đã từng nghe đâu có một vụ rơi máy bay kinh hoàng: chiếc máy bay mang tên MH-370. Chiếc máy bay này thực hiện chuyến bay cuối cùng của nó từ Malaysia tới Trung Quốc vào gần cuối năm 2013. Đột nhiên, các giám sát viên dưới mặt đất không thể nhận được tín hiệu của máy bay. Có vô vàn giả thiết được đặt ra; và cuối cùng, một đội nghiên cứu của Anh, sau thảm hoạ đó 5 năm – tức năm nay, 2018 – đã cho rằng máy bay rơi xuống Cam-pu-chia và đang tiến hành tìm xác máy bay. Sai lầm ở đây ắt hẳn đã đến từ cơ trưởng, theo tôi, dựa trên những lời anh ta nói trước khi tín hiệu biến mất. Hơn hai, ba trăm mạng người xấu số đã thiệt vì một phút hành động đầy lỗi lầm của người cơ trưởng kia!

Tai hại hơn, sai lầm còn ảnh hưởng tới chính bản thân mỗi con người. Ngay trong nhà, chỉ cần sơ sẩy đôi chút, ta đã có thể gây ra tác hại khủng khiếp. Nhẹ thì, khi cắt thái rau củ thịt cá, ta sẽ bị đứt tay hoặc lúc nồi đang nấu sôi, nếu bất cẩn, tay sẽ bị nóng bỏng. Có kẻ làm vỡ cốc thuỷ tinh, giẫm vào mảnh vỡ, chảy toét máu chân. Nặng hơn nữa, đã có chung cư, quán karaoke bị cháy vì sơ suất, lơ là. Sai lầm đó tới từ sự không để ý, không ý thức, thiếu hiểu biết của mọi người.

Thế nhưng, lỗi lầm không chỉ có mặt xấu.

Nó có mặt tốt là khác.

Rất tốt.

Đúng, những con người được cả thế giới công nhận là thiên tài như Newton, Marie cùng chồng là Pie, Keller, Mandela…. gây ra lỗi lầm; đó là điểm chung của họ. Lỗi lầm lớn là đằng khác. Louis Braille vì nghịch đinh mà tự chọc mù mắt mình, cuối cùng sáng chế ra bảng chữ cái cho người mù. Edison nghịch trên tàu hoả, bị bạt tai đến ù điếc, phát minh ra bao sản phẩm tiền đề cho con người. Chẳng phải, những bậc đại hiền của chúng ta đã phạm phải những điều được mọi người cho là sai hay sao?

Thứ nhất, họ khác biệt với chúng ta, ít nhất là theo quan điểm của đông đảo mọi người. Chính vì thế, lỗi lầm của họ cũng phải khác chúng ta: lớn, thiệt hại nặng nề. Đó có thể là lí do khiến lỗi lầm biến họ thành người thành công.

Thứ hai, chính xác và quan trọng hơn cả, họ biết rút kinh nghiệm, nhận ra cái lỗi của mình để trau dồi lại, kiến tạo lại, từ đó trở nên thành công. Người không nổi bật vẫn hoàn là người không nổi bật vì họ không hề biết rút ra kinh nghiệm, bài học nhớ đời từ những lỗi sai. Còn người không nổi bật bỗng trở thành thiên tài là nhờ biết học tập cẩn thận từ lỗi lầm mình gây ra.

Ngoài một số gương mặt tiêu biểu của thế giới có sự đúng đắn và chăm chỉ từ nhỏ, hầu hết các vĩ nhân xuất phát, vượt lên từ số âm – bé hơn cả số không! Trước khi họ tạo ra bước ngoặt đổi đời, họ đã tạo ra những tội lỗi “đổi đời”: khiến họ quay ngược 180 độ so với người khác.

Tinh thần “Học tập từ cái sai” là rất quan trọng cũng vì đây. Edison, nếu không trau dồi tinh thần này thì sẽ không thể phát minh ra bóng đèn phổ biến, dân dụng, rẻ và tiện lợi sau hơn 10000 lần tìm chất đốt cho bóng đèn. Ngoài ra, vì tỏ thái độ thiếu lễ phép với thầy giáo ở trường, ông đã bị đuổi về nhà, không cho tiếp tục học. Thuở bé, Steve Jobs – người sáng lập ra hãng công nghệ Apple và là cha đẻ của điện thoại thông minh – vô cùng quậy phá. Có lần, do nghịch cặp tóc của mẹ, ông cắm cặp tóc vào ổ điện và suýt bị giật chết. Ở trường, cho tới năm lớp Ba, ông gần như không học gì, điểm luôn đội sổ lớp.

Vậy, bài học rút ra từ các bậc vĩ nhân ấy là gì? Đó là: đừng buồn vì gây ra lỗi lầm, hãy nhìn nhận lại nó thật thẳng thắn, để tự tránh khỏi sai lầm. Nếu bị điểm kém, thầy cô la rầy, bạn hãy nghĩ xem tại sao mình bị điểm kém, bị mắng mỏ. Nếu bạn luôn cảm thấy bứt rứt, hãy nghĩ xem bạn đã từng làm gì sai trái trong quá khứ và tích cực sửa lại nó.

Sai lầm là tai hại, nhưng không thấy được cái tai hại của mình còn tai hại hơn. Con người luôn gây ra lỗi lầm, vì vậy cần chấp nhận nó và học tập, đúc rút từ nó.

Nguyễn Lê Hoàng

HS lớp 8T

Trường THCS Đào Duy Từ