Bài dự thi giới thiệu sách hay: “CUỘC ĐỜI CỦA PI” – MAI TRỌNG HƯNG LỚP 6T – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Bài dự thi giới thiệu sách hay: “CUỘC ĐỜI CỦA PI” – MAI TRỌNG HƯNG LỚP 6T – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng mười hai 16, 2019 - 20:25
Tháng tư 17, 2024 - 10:44
 0  22
Bài dự thi giới thiệu sách hay: “CUỘC ĐỜI CỦA PI” – MAI TRỌNG HƯNG LỚP 6T – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

“Cuộc đời của Pi” là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001 bởi nhà xuất bản Knopf Canada. Năm 2002, cuốn sách giúp tác giả giành được giải Man Booker – giải thưởng văn học trao hàng năm cho một tiểu thuyết dài viết bằng tiếng Anh. Tác phẩm được Mỹ chuyển thể thành phim, do Lý An đạo diễn và công chiếu vào cuối năm 2012.

Tác phẩm kể về cậu bé Piscine Molitor Patel, sau đó, cậu tự gọi mình là Pi. Pi là con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và chìm, còn Pi lạc mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Bengal có tên Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Sử dụng những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Câu chuyện bắt đầu khi tác giả gặp Pi, lúc này đã ở tuổi trung niên có vợ và hai con, tại Winnipeg – Canada và bắt đầu ghi chép lại chuyện đời của anh.

Vâng, ấn tượng ban đầu của tôi khi đọc cuốn sách này chỉ vẻn vẹn như sau:

– Thứ nhất, câu chuyện có 3 phần mà trong đấy phần thứ nhất có vẻ không liên quan cho lắm. Tôi không có ấn tượng gì về phần đầu tiên khi nhân vật chính, Pi, ở Pondicherry (thật ra sau khi đọc xong tôi thậm chí cũng chả nhớ nổi về địa danh này và việc nhân vật đã làm gì trong quãng thời gian ở đó). Câu chuyện với tôi chỉ bắt đầu từ phần thứ 2, khi chiếc tàu đưa Pi từ Ấn Độ sang Canada bị đắm và bắt đầu một cuộc hành trình gian lao và kỳ quái của cậu.

– Thứ hai, cuộc phiêu lưu của Pi với tôi cũng không khác gì mấy so với những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở diệu kỳ, cuộc phiêu lưu của chàng Cóc trong Gió qua rặng liễu hay cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, chỉ có điều nó không mang đậm tính cổ tích của thiếu nhi.

Tôi lật lại những gì người ta viết ở trang bìa sau của cuốn sách và tự hỏi, tại sao cuốn sách mình chẳng mấy ấn tượng lại được đánh giá cao đến thế. Tôi quyết định đọc lại lần thứ 2, thứ 3 và thứ n, tôi nhận ra nhiều điều hơn.

Năm tôi học lớp 5, tôi được nghe câu chuyện: Những con cá biển được ngư dân vận chuyển vào đất liền thường sẽ bị lờ đờ, mệt mỏi & thậm chí là bị chết trước khi thuyền đánh cá kịp vào bờ. Để khắc phục điều này, ngư dân thả vào một con cá lớn sống chung với toàn bộ đàn cá họ bắt được. Và thế là trải qua nhiều ngày, đám cá nhỏ vì sợ hãi chung sống với con cá lớn, lại đâm ra mạnh mẽ sống khoẻ tới giây phút cuối cùng.Với những kẻ yếu đuối, một chút nghịch cảnh nhỏ nhoi vẫn đủ sức đánh gục họ. Ngược lại, khó khăn càng nhiều, thử thách càng lớn thì con người mạnh mẽ lại càng mạnh mẽ hơn. Y hệt những chú cá nhỏ, lo sợ về sống sót, thử thách nguy hiểm ngay trước mặt, kẻ thù lớn sẽ giúp chúng sống sót trong những điều kiện không thể tin nổi.

Và cậu bé Pi của chúng ta cũng vậy. Đắm tàu, sống chung với một con hổ trên một chiếc xuồng cứu nạn, lênh đênh trên biển gần…7 tháng. Nếu là một người bình thường, chắc hẳn đã chết ngay từ ngày đầu tiên, làm mồi cho chú hổ kia rồi. Thật may là Pi có cả 2 thứ, niềm tin & lý trí. May mắn đồng hành, Pi học cách bắt cá để nuôi sống bản thân.Pi sử dụng nước biển lọc thành nước ngọt để tồn tại. Cải tạo thuyền, hứng nước mưa, giết chết rùa, tránh cá mập. Một bước đột biến hơn, Pi học cách giao tiếp với chú hổ Richard Parker. Làm tất cả mọi thứ để tồn tại, cho tới khi nước biển & mặt trời đốt cháy hết toàn bộ đồ nghề tồn tại của cả 2. Và sóng biển trong cơn dông bão đánh chìm luôn cái bè.

Chỉ còn xuồng, chú hổ & Pi sắp sửa chết đói thì trôi dạt tới 1 cái đảo có tảo xanh & chồn biển cùng hồ nước ngọt đầy cá chết. Những tưởng Pi sống du mục trên đảo tới hết đời. Nhưng rồi Pi lại nhảy lên xuồng & ra đi. Vì cái đảo đó ăn mòn tinh thần & thể xác của cả 2.Và rồi sau tất cả, Pi sau nhiều ngày lênh đênh, đói khát, đã trôi lên đến bờ.

Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho nhân vật chính của mình là Pi. Khi được hỏi tại sao lại chọn cái tên Pi? Yann Martel đã trả lời đại ý rằng: “Tôi chọn cái tên Pi vì đây là một con số không thể được diễn giải.” Nghị lực phi thường cũng như tất cả những gì Pi đã trải qua là điều chúng ta thật khó lý giải.

Vâng, câu chuyện nói đến điều mà chúng ta thường được nghe mỗi ngày, đó là nghị lực sống, là ý chí vượt lên khó khăn, thử thách. Chúng ta có thể truyết trình hàng tiếng đồng hồ hay viết những bài văn, thậm chí là luận văn về nghị lực sống. Còn Yann Martel, ông nói với chúng ta bằng cuộc đời của Pi. Mặc dù có những chi tiết rất khó lý giải, điển hình là tại sao Pi có thể sống sót khi sống bên cạnh một con hổ dữ trước khi anh ta học được cách giao tiếp với nó. Thế nhưng kì lạ thay, người đọcvẫn tin và bị cuốn theo từng câu văn của ông. Cách viết của ông cũng hết sức giản dị, mộc mạc.

Mai Trọng Hưng (Lớp 6T – THCS Đào Duy Từ)