CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG TỔNG THỂ CÓ “QUÁ NHIỀU MÔN HỌC MỚI, GÂY XÁO TRỘN” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG TỔNG THỂ CÓ “QUÁ NHIỀU MÔN HỌC MỚI, GÂY XÁO TRỘN” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 18, 2017 - 11:14
Tháng tư 14, 2024 - 19:13
 0  8
CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG TỔNG THỂ CÓ “QUÁ NHIỀU MÔN HỌC MỚI, GÂY XÁO TRỘN” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Nhận xét về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhiều chuyên gia cho rằng chưa giảm tải, quá tham vọng khi đưa nhiều môn học mới…

PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh:NVCC.

“Giáo viên còn rất lơ mơ về các môn học, không hiểu nổi thế nào là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo… thì làm sao dạy được học sinh? Trong khi nguyên tắc phải là sư phạm đi trước”, GS Bảo nói.
PGS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục) nhận xét dự thảo ôm đồm khi đưa vào quá nhiều môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Thế giới công nghệ (ở Tiểu học); Công nghệ và hướng nghiệp (ở THCS); Giáo dục kinh tế và pháp luật; Thiết kế và Công nghệ (ở THPT)… Điều này sẽ làm xáo trộn tình hình dạy và học hiện nay, nhất là khi đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị.

GS Bảo ví von, việc giáo viên dạy môn học mới mà chưa hiểu hết như diễn viên không biết phải làm gì dù kịch bản chương trình hay. Học sinh khi đó sẽ loay hoay không hiểu mình đang chứng kiến cái gì. Viễn cảnh ấy làm ông cảm thấy bi quan khi chỉ năm sau (2018) chương trình mớibắt đầu triển khai.

GS Ngô Việt Trung (Hội Toán học Việt Nam) cũng cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo chương trình đặt ra quá tham vọng. Ở cấp Tiểu học, các môn như Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chiếm 1/3 khối lượng giảng dạy. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện nay lại chưa đáp ứng.

Nguyên trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến thì băn khoăn có cần xây dựng chương trình đào tạo các giáo viên chuyên về tổ chức Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khi đây là môn học riêng chứ không gắn liền vớitừng môn học.

Nhiều môn học mới chưa hợp lý

Sự xuất hiện nhiều môn học mới trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) là thay đổi rất lớn so với hiện nay. Tuy nhiên, nhiều môn học chưa hợp lý.Trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp với các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp có rất nhiều tiềm năng phát triển thì môn học giáo dục nghề trong dự thảo lại tập trung vào tin học, máy tính, công nghệ. Như vậy, khả năng sử dụng thực tiễn các môn học này, với bộ phận lớn thanh niên nông thôn sau ra trường sẽ không cao.

Trong khi cả thế giới đang đối mặt với thách thứcdo biến đổi khí hậu và các thảm họa môi trường thì dự thảo không có bộ môn riêng biệt về nội dung này. Những kiến thức quan trọng về môi trường và phát triển bền vững chỉ được đề cập đến trong các môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu xã hội ở cấp Tiểu học; Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội ở THCS. Với thời lượng ít ỏi, bà Hương cho rằng, khó kỳ vọng nội dung đang là vấn nạn toàn cầu này, sẽ được dạy đầy đủ cho học sinh.

“Mục tiêu của chương trình nhấn mạnh việc hình thành và phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, có phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Tuy nhiên, thời lượng môn học Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân ở cấp Tiểu học và THCS ít hơn hẳn so với các môn khác. Ở cấp THPT, Pháp luật là nội dung rất quan trọng thì được đặt chung với Kinh tế. Điều đó sẽ khiến chúng ta nhầm tưởng rằng đây là môn học giáo dục nghề nghiệp hơn là môn đào tạo con người sống và làm việc theo pháp luật”, TS Vũ Thu Hương nói.

Chân dung người học sinh mới chưa rõ ràng

Vấn đề về năng lực, phẩm chất của người học sinh trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng có nhiều ý kiến phản biện. Nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dụcPGS Đặng Quốc Bảocho rằng, tiêu chí về năng lực, phẩm chất của học sinh chưa rõ ràng. Ví dụ, phẩm chất “yêu con người” được chia nhỏ thành “yêu quý mọi người” và “tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người”. “Nhưng mọi người ở đây là ai? Những kẻ xấu có cần được yêu quý, tôn trọng không”, GS Bảo đặt câu hỏi và cho rằng các phẩm chất hiện có trong dự thảo là góp nhặt của nhiều tư tưởng nhưng chung chung, chưa làm người đọc thỏa mãn.

Ông Bảo đề xuất xây dựng “chân dung người học sinh mới” với hạt nhân là có sức khỏe cả về thể chất, tâm lý, sinh lý. Tiếp đó, người học sinh cần 4 đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, theo đúng truyền thống của Việt Nam. Bọc bên ngoài con người này là các phẩm chất để phù hợp với xã hội hiện đại, toàn cầu hóa, gồm: biết tư duy phê phán, sáng tạo, biết giao tiếp và hợp tác. “Tôi cảm thấy chưa thực sự thoải mái và đôi chỗ bị hụt hẫng khi đọc dự thảo chương trình giáo dục này”, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục nói.

Nguyên trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Đỗ Nhật Tiến vàcựu cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt NamBùi Gia Thịnh cũng cho rằng, dự thảochưacó hệ thống tiêu chí rõ ràng trong việc xác định phẩm chất học sinh. Mối quan hệ giữa năng lực chung và các môn học chưa được làm rõ. Sự mơ hồ này gây khó khăn cho việc xây dựngchương trình của từng môn và làm khó tác giả viết sách giáo khoa.

Chương trình học vẫn quá nặng

TS Vũ Thu Hương chia sẻ trăn trở về thời lượng học tập theo dự thảo chương trình mới vẫn quá cao so với các nước. Tổng thời lượng với lớp 1-3 của Việt Nam là 1.147 tiết, ở lớp 4-5 là 1.184 tiết. Trong khi đó, thời lượng học của học sinh Nhật Bản cao nhất là 1.215 tiết ở lớp 1-3, với Phần Lan là 945 tiết. “Với thời lượng nhiều như vậy liệu rằng trẻ có bị quá tải, đặc biệt là khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn rất nặng nề và tình trạng dạy thêm học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước”, TS Hương đặt câu hỏi.

Nhiều đại biểu trong hội thảo góp ý dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ngày 13/4) có chung ý kiến chương trình chưa giảm tải nội dung học tập. Thời lượng học ở cấp THCS và THPT là 29-30 tiết một tuần, với một buổi học một ngày, tương đương với chương trình hiện hành. Trong khi với thời lượng này, các nhà trường kêu rất nhiều vì không có thời gian cho hoạt động khác như sinh hoạt lớp, trường, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên…

Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), thầy Đào Tất Đạt cho rằng học sinh lớp 11-12 phải học 9 môn (6 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn bắt buộc) là quá nhiều. “Học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả”, ông Đạt nói. 2 năm học này chỉ nên để học sinh học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác.

(Tổng hợp)